Theo thông tin từ Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ-Tài-nguyên-và-Môi-trường), Việt Nam có 3450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên. Các sông suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước. Cả nước có trên 2.900 hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã vận hành, đang xây dựng hoặc đã có quy hoạch xây dựng với tổng dung tích trên 65 tỷ m3. Trong đó, khoảng 2.100 hồ đang vận hành, tổng dung tích hơn 34 tỷ m3 khoảng 240 hồ đang xây dựng, tổng dung tích hơn 28 tỷ m3, trên 510 hồ đã có quy hoạch, tổng dung tích gần 4 tỷ m3.
Bên cạnh những đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế, xã hội, công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tài nguyên nước của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó có thể giải quyết được trong một sớm một chiều mà trái lại, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, nguồn lực cùng với sự nỗ lực tham gia của toàn xã hội. Có thể kể ra một số thách chính như sau:
- Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả.
- Thiên tai bão, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, nước biển dâng,… đang ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng.
- Sự gia tăng dân số và yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ cần nhiều nước hơn cho phát triển sản xuất và dân sinh là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và quản lý tài nguyên nước quốc gia.
- Tăng trưởng kinh tế không ngừng dẫn đến nhu cầu nước của các ngành kinh tế-xã hội tăng lên trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến cộng với nguồn nước tiếp tục bị suy thoái, cạn kiệt và cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước lạc hậu..
Chính vì thế, để hướng tới thực hiện thành công, hiệu quả quản lý phương thức tổng hợp tài nguyên nước, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên cho những nhiệm vụ như:
- Tập trung xây dựng các Quy trình vận hành liên hồ trên các lưu vực sông; giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải; theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước, nhất là các nguồn nước liên quốc gia; xác định dòng chảy tối thiểu trên một số lưu vực sông lớn, quan trọng.
- Đẩy mạnh và tăng cường hợp tác với các nước có chung nguồn nước với Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước…
(Nguồn: Theo PV báo Dân Trí)